3 năm trước, chồng tôi bỏ nhà ra đi sau khi quẳng vào mặt tôi lá đơn ly hôn. Lý do anh đưa ra rất nực cười, anh cảm thấy khổ quá, không sống tiếp cảnh nghèo khó này được nữa.
Vậy là chồng tôi lên đường, bỏ lại sau lưng tôi và 2 đứa con thơ. Gia đình nhà chồng cũng khuyên hết mực, nhưng anh không nghe lời ai. Bố mẹ chồng tôi thì già yếu, lại sống với anh chị cả khó tính nên ít dám sang thăm cháu. Những người khác cũng bận rộn và toan lo cuộc sống, dần dần chẳng còn ai chú ý tới mẹ con tôi nữa.
Thời gian đó, tôi lâm vào cảnh nghèo túng vô cùng. Con trai lớn của tôi vừa bước vào lớp 3, con gái út học lớp 1. Tôi đi làm cả ngày, tối mịt mới về nên tôi gửi con trai học thêm lớp cô giáo chủ nhiệm vào mỗi buổi chiều. Con gái thứ hai cũng đi theo anh chứ không được ở nhà một mình. Tiền đóng học, rồi tiền học thêm, tiền ăn uống, tiền chi tiêu cho con, tiền xăng xe đi làm và các khoản tiền lặt vặt khác nữa khiến tôi lâm vào cảnh nợ nần cùng cực.
Tôi cũng cảm thấy vô cùng xấu hổ, nhưng chẳng biết làm thế nào được. Đến giờ nhìn lại, những người quen, bạn bè xung quanh đều đã từng bị tôi vay tiền. Có người bị tôi vay tới 4 lần, lần nào cũng vài tháng sau mới trả được.
Cuộc sống của 3 mẹ con lúc nào cũng lâm vào cảnh thiếu thốn. Con trai lớn tuy nhỏ tuổi nhưng đã có thể nấu cơm giúp mẹ. Tối về, tôi cũng được nghỉ ngơi hơn một chút. Vất vả là vậy, nhưng may mắn rằng 2 đứa con của tôi đều biết suy nghĩ nên rất chăm chỉ học hành và là học sinh giỏi. Tuy nhiên, vì lo xa, sợ con nghịch ngợm, hư người, tôi vẫn quyết gửi các con đi học thêm nhà cô giáo.
8 tháng trước, kinh tế của gia đình tôi bỗng dưng tốt hơn. Đồng lương của tôi được tăng thêm 1 triệu mỗi tháng. Thêm vào đó, tháng nào tôi cũng nhận được 2,5 triệu trong tài khoản ngân hàng. Tôi đoán chồng cũ gửi tiền nuôi con, tuy có hơi muộn, nhưng cũng đỡ đần được bao nhiêu việc.
Trả hết nợ nần, tôi muốn sắm cho hai con mấy bộ quần áo mới. Không ngờ, con trai tôi bảo rằng nó không cần, nó vẫn còn số quần áo anh Huy cho (Huy là con trai của anh cả chồng tôi, hơn con tôi 3 tuổi). Nó bảo tôi để tiền mà mua thêm quần áo đi làm, nó đi học có đồng phục rồi, còn ở nhà mặc gì chẳng được. Con gái tôi thấy anh nói vậy cũng bảo mẹ không phải mua quần áo mới nữa. Trước sự quyết tâm của hai đứa trẻ, tôi vẫn âm thầm mua cho mỗi đứa một bộ quần áo mới nhưng nhờ chị dâu cả gửi tặng.
Mọi chuyện cứ bình thường như thế, cho tới thứ tư tuần trước, tôi được tan làm lúc 3 giờ chiều nên vòng qua nhà cô giáo đón các con.
Đến nơi, tôi sững sờ khi biết con trai tôi đã thôi học thêm từ cách đây 8 tháng. Con nói rằng con học nhóm với đám bạn và đây là ý của mẹ. Vì tin tưởng con trai tôi không nói dối nên cô giáo cũng không gọi điện hỏi lại tôi. Còn tôi thì tự trách mình quá bận rộn, không quan tâm tới con cái. Tôi thất thần chạy về nhà nhưng không có ai, tới nhà đứa bạn thân của con, cũng không thấy hai con ở đó. Tôi phóng xe lang thang khắp nơi tìm con, lòng giận vô cùng. Tôi còn tự nhủ, tối nay tôi sẽ đánh cho hai đứa một trận, tội nói dối cô giáo và bỏ học mà không bảo mẹ. Tôi cũng thấy mình sai lầm khi giao cho con cả tiền đi đóng học thêm mà chẳng bao giờ hỏi han tới.
Đi khắp các phố mà vẫn không tìm ra chúng, tôi ngồi gục ở một gốc cây mà khóc. Đúng lúc này tôi nhìn thấy bóng dáng con gái tôi với cái giỏ kẹo đang mời chào một phụ nữ mua hàng ở vỉa hè bên kia đường. Còn con trai tôi thì đang hì hụi đánh giày cho một người đàn ông ngay bên cạnh. Tôi không tin được ở mắt mình, dụi mắt mấy lần mới biết chắc chắn mình không nhìn nhầm. Tôi muốn lao sang tóm hai đứa về, nhưng cũng muốn tìm hiểu xem chúng cần tiền vào mục đích gì. Vì sao phải làm như vậy?
Tôi âm thầm đi theo hai con suốt buổi chiều hôm đó, và những buổi chiều sau, tôi cũng xin nghỉ làm để đi theo con. Buổi tối tôi về muộn giống như không hề có chuyện gì xảy ra. Thấy các con đã tắm rửa, cơm canh dọn ra nóng hổi. Có lẽ vì sơ ý nên giờ tôi mới biết, bữa ăn được cải thiện đi rất nhiều. Nếu trước kia chỉ có một món canh luộc, thêm hai quả trứng rán, thì giờ đôi lúc có cả thịt gà, thịt chân giò. Con trai lớn gắp thức ăn cho tôi, nó giục tôi ăn cho khỏe có sức làm việc, mà tôi thấy cay cay hai khóe mắt. Nước mắt tôi rơi đầy vào bát cơm, tôi phải lén lau mặt, sợ hai đứa biết. Tôi đã để các con tôi phải thiếu thốn quá sao?
Đi theo con thêm 2 buổi chiều nữa, tôi định bụng tối đến sẽ nói chuyện lại với các con, yêu cầu các con ngừng việc này lại. Tôi sẽ đưa thêm tiền mua thức ăn cho con. Nhưng gần 4 giờ chiều hôm đó, tôi thấy hai con đến gặp một bác xe ôm. Rồi ông bác đi cùng hai đứa vào một ngân hàng gần đó. Tôi không kìm chế được, vội vã gửi xe rồi đi vào ngân hàng. Bên trong, bác xe ôm đang viết giấy gửi tiền. Còn con tôi ngồi đếm những đồng tiền lẻ mới kiếm được, gộp vào một tập tiền nhàu nát trước đó, đưa cho nhân viên ngân hàng. Tôi bước đến, hai đứa giật thót mình nhìn tôi đầy sợ hãi. Tờ giấy gửi tiền có tên và số tài khoản của tôi đang nằm ngay trên bàn. Số tiền là 2,5 triệu.
Hai đứa nhấm nháy bác xe ôm không gửi tiền nữa, rồi theo tôi ra ngoài. Đến lúc này tôi mới biết, hai đứa con của tôi 8 tháng nay đi đánh giày và bán kẹo, gom tiền gửi vào tài khoản cho tôi, chính số tiền tôi đinh ninh chồng cũ gửi cho. Bác xe ôm này ban đầu được bọn trẻ thuê đi gửi tiền cùng, với giá 20 ngàn một lần. Về sau biết hoàn cảnh, bác ấy không lấy tiền mà tình nguyện giúp đỡ, còn trông chừng hai đứa giúp tôi.
Nghe bác xe ôm kể lại mà tôi khóc như mưa vì thương các con. Tôi cũng tự trách mình cứ mải kiếm tiền mà không chú ý, để các con tôi phải vất vả như thế này. Tôi đưa hai con đi ăn, cũng mời bác xe ôm để cảm ơn, nhưng bác ấy từ chối. Ba mẹ con vào một quán phở, gọi 3 tô phở nhiều thịt bò và ăn trong nước mắt.
Sau hôm đó, tôi bảo con trai và con gái tiếp tục đi học thêm, nhưng chúng không chịu vì sợ tốn tiền. Chúng muốn được giúp đỡ tôi. Cả hai còn vỗ ngực hứa rằng sẽ không để kết quả học tập bị tụt dốc. Đêm đó, tôi khóc ướt đẫm gối, suy tính mãi, tôi cũng không biết có nên kiếm cái gì đó về cho hai đứa làm ở nhà, để không phải lang thang ngoài đường nữa. Hay bắt ép tụi nó tiếp tục đi học thêm, vì kiếm tiền nuôi con là việc của bậc cha mẹ?