Hãy vứt danh hiệu "gái ngoan" đi để mà "hư hỏng". Bởi khi người đàn ông chấp nhận bạn đã “hư” thì sẽ không bao giờ đòi hỏi bạn phải “ngoan” nữa.
Đó là phương châm sống của tôi, tôi biết có thể nhiều người sẽ cho rằng tôi đang có suy nghĩ quá thoáng, nhưng là con người, ai chẳng muốn mưu cầu hạnh phúc. Bạn chỉ hạnh phúc khi bạn sống thoải mái, dễ chịu và đúng như những gì bạn muốn.
Tôi 28 tuổi, và hiện vẫn độc thân. Tôi độc thân bởi vì tôi chưa chọn được người hợp với mình để kết hôn. Tôi không cuống quít, không vội vã cưới một ai đó chỉ vì số tuổi của mình đang đi về đầu 3, cũng không vì bố mẹ giục giã mà “lấy cho có chồng”.
Vì sao mà tôi đi đến quyết tâm này không phải là không có nguyên nhân. Tôi xin kể ra đây trường hợp của 2 người bạn của tôi, 2 minh chứng cho thấy phụ nữ đôi khi phải “hư” thì mới sống thoải mái, dễ chịu. Bởi khi người đàn ông chấp nhận bạn “hư” thì sẽ không bao giờ đòi hỏi bạn phải “ngoan” nữa.
Cô bạn này lấy chồng đầu tiên vào năm 24 tuổi, chồng là một giảng viên đại học. Cuộc sống của hai vợ chồng vừa vượt qua kỳ tân hôn thì bắt đầu có mâu thuẫn. Nguyên nhân là ông chồng quá bảo thủ, gia trưởng, luôn ép buộc vợ phải ở nhà nội trợ và nếu có làm việc thì cũng phải có giờ giấc, 8 tiếng hành chính.
Trong khi bạn tôi là nhà thiết kế thời trang, cô ấy không thể chịu đựng được cảnh suốt ngày bị giam cầm trong nhà để làm những việc không tên. Cô ấy cần có cảm hứng bằng cách đi chơi, đi dạo ở các trung tâm thương mại hoặc ngồi lỳ ở một con phố đông đúc nào đó ngắm mọi người qua lại. Hai vợ chồng thường xuyên cãi cọ, và cuối cùng quyết định đường ai nấy đi sau một năm hôn nhân.
Khi được hỏi về lý do chia tay, anh chồng còn “chém đinh chặt sắt” nói: “Tôi không thể chịu được một người vợ hư hỏng, cãi chỗng nhem nhẻm, suốt ngày chỉ hí hoáy với mẫu vẽ, vải, phụ kiện rồi lo đi dạo phố với đi chơi. Phụ nữ là phải biết hy sinh vì chồng con, trong khi người chồng bận rộn lo sự nghiệp bên ngoài thì người vợ phải cáng đáng việc bếp núc, vun vén nội ngoại là lẽ đương nhiên…”.
Chính tư tưởng đó của chồng nên cô ấy đã từ bỏ. Cô bạn tâm sự với tôi rằng, cô ấy không bao giờ có ý nghĩa từ từ thay đổi chồng, thay vì chờ đợi anh ta mang hạnh phúc cho mình, chi bằng tự đi tìm.
Sau khi ly hôn, ai cũng nói bạn tôi ngốc, bỏ người chồng đó thì khó mà tìm được người tốt hơn anh ta. Thế nhưng, bạn tôi phớt lờ tất cả, cô ấy vẫn đi chơi, đi bar và làm công việc thiết kế mà cô ấy yêu thích. Cô ấy vẫn tự cho mình được quyền lười biếng, dọn dẹp phòng ốc nhà cửa lúc nào cô ấy thích, vẫn vụng về nấu ăn nên đi ăn ngoài hàng. Cô ấy nói “Việc gì phải sống vì ánh mắt người khác, họ đâu cho mình cái gì mà đòi mình phải thế này thế nọ”.
Một năm sau, bạn tôi tái hôn với phó giám đốc một công ty nhập khẩu thời trang hàng hiệu. Cưới nhau về, cô ấy sống trong ngôi biệt thự 3 tầng, cuộc sống vật chất thoải mái. Cô ấy tự bỏ tiền riêng của mình, mở một cửa hàng kinh doanh quần áo do chính mình thiết kế, chứ không hề đụng tới tiền của chồng.
Trước khi kết hôn với anh chồng thứ 2 này, cô ấy đã “mặc cả” rằng: “Em chỉ sống với anh bằng tình yêu và sự tôn trọng, nếu một ngày nào đó anh không yêu và chiều em nữa, chúng ta sẽ ly hôn. Em không cần anh nuôi em, nhưng nếu anh có tiền thì thuê người giúp việc, chứ đừng bao giờ bắt vợ phải vào bếp, phải cọ toilet, phải giặt quần áo…”. Kết quả, anh chàng đồng ý và hai người sống với nhau đến nay đã 2 năm nhưng vẫn như hồi mới cưới.
Có thể nhiều người cho rằng bạn tôi may mắn, nhưng họ không biết rằng, nếu anh chồng này không đồng ý, cô ấy vẫn sẽ tiếp tục tìm người chịu đựng được điều kiện của cô ấy để cưới.
Còn cô bạn thứ hai, cô bạn khiến mỗi khi nghĩ tới tôi lại phát bực vì sự cam chịu, thì có hoàn cảnh hoàn toàn khác. Cô ấy là một cô gái nổi tiếng ngoan ngoãn, học giỏi, chịu khó ngay từ khi còn là thiếu nữ. Rất nhiều người khen ngợi và đặt kỳ vọng vào cô ấy, vì vậy mà cô ấy luôn chịu áp lực phải trở thành “tấm gương sáng”.
26 tuổi, sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ và có việc làm đàng hoàng, lương cao ở một viện khoa học, cô ấy lên xe hoa với một vị trưởng phòng của một doanh nghiệp. Cuộc sống hôn nhân của cô ấy là một chuỗi ngày chịu đựng và nén nước mắt. Chồng cô ấy vô cùng gia trưởng, còn có thói quen say rượu lại hành hạ vợ, khi thì cái bạt tai, lúc lại đá vào chân... Hai người có với nhau một đứa con gái, nhưng từ khi con sinh ra, ông chồng chưa từng thay cái tã, lau cái mặt cho con.
Ngoài việc vũ phu, thích nhậu nhẹt, anh ta còn lười biếng đến mức chưa từng mó tay vào việc nhà, chưa từng gập cái áo cái quần. Hơn thế nữa 2 năm vợ chồng mà anh ta cũng chưa từng mua cho bạn tôi món quà nào. Ấy vậy nhưng lại bắt vợ ăn mặc “kín cổng cao tường” và đừng bao giờ chạm vào chiếc váy. Cô bạn sống lầm lũi trong nhà và kêu than kiểu an phận “Tại số mình nó khổ” chứ không hề nghĩ tới chuyện thay đổi số phận.
Khi bạn bè khuyên bảo ly hôn, giải thoát cho bản thân và con gái thì cô ấy lại khóc lóc “Không được đâu, bố mẹ mình mà biết thì sẽ buồn lắm, mà mình ly hôn thì sau này con cái biết nương dựa vào ai”. Chính suy nghĩ ấu trĩ đó đã khiến cuộc đời cô ấy bế tắc. Là bố mẹ, ai cũng mong muốn con mình hạnh phúc chứ ai muốn con gái vì được tiếng “phụ nữ ngoan hiền” mà phải khổ cả đời?
Nhìn thấy hai tấm gương to như vậy nên tôi quyết không lấy chồng thì thôi, đã lấy thì phải lấy người mình yêu, yêu mình, chiều mình và cho mình không gian riêng. Có thể nhiều chị em cho rằng, việc này khó lắm, tìm được một anh chàng hội tụ đủ các điều kiện đó thì khó lên mây. Nhưng chẳng lẽ khó thì cứ lấy bừa ai đó và rồi chẹp miệng “ván đã đóng thuyền” sống lầm lũi cho qua đời người? Còn các chị em thì thấy sao?